Ý nghĩa của trận đánh Trận_Königgrätz

Cho đến ngày nay, Königgrätz vẫn được nhìn nhận là một trong những trận đánh quyết định nhất trong thời kỳ cận đại-hiện đại.[38] Đại thắng của người Phổ đã gây chấn động cho cả châu Âu chấn động đồng thời góp phần khơi gợi tinh thần dân tộc chủ nghĩa Đức.[12][76] Là "một bước ngoặt của lịch sử" (theo Wawro), trận đánh và các sự kiện diễn ra sau đó là những minh chứng cho thấy rằng những trận đánh lớn có thể làm thay đổi cục diện của lịch sử. Sáu năm trước đó, thời báo The Times của Luân Đôn đã chế giễu: "Phổ mà không có đồng minh thì sẽ không thể giữ nổi sông Rhine hoặc sông Vistula được một tháng", Giờ đây, chỉ trong khoảng thời gian tính bằng ngày, nước Phổ đã leo từ hạng thấp lên hàng đầu trong các liệt cường. Thắng lợi của cuộc chiến đem lại cho Phổ 3357 km² lãnh thổ với 7 triệu dân. Dưới sự lãnh đạo của Bismarck, Phổ đã làm chủ phần lớn Đức và có thế để thâu tóm phần còn lại – điều mà họ đã hoàn thành với sự kiện thống nhất nước Đức ngày 18 tháng 1 năm 1871, khi Phổ và liên minh Đức đã nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến tranh với Pháp.[77] Trong khi đó, kể từ sau thất bại ở Königgrätz, đế quốc Áo 600 năm tuổi không còn đóng một vai trò chi phối nào trên trường quốc tế.[52]

Trận chiến Königgrätz cũng góp phần báo hiệu tính quyết liệt của chiến tranh hiện đại. Quân số tại đây đông hơn gấp đôi quân số tham chiến trong trận Gettysburg đúng ba năm trước đó, trận đánh lớn nhất của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. 1/4 trong tổng số nửa triệu binh sĩ tham chiến trong trận Königgrätz đều tử trận hoặc bị thương.[44][78] Trên một trận địa rộng khoảng 20 km, pháo binh Áo rền vang với tốc độ bắn mà trước đây hầu như chưa từng thấy, khai hỏa với tỷ lệ hỏa lực, báo hiệu cường độ khủng khiếp của những hàng rào pháo trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngoài ra, mặc dù diễn biến của trận đánh cho thấy kỵ binh Áo là lực lượng tốt và kỵ luật nhất trong việc trì hoãn bước tiến thắng lợi của bộ binh Phổ, thiệt hại hết sức thảm khốc mà súng trường nạp hậu Phổ gây ra cho họ đã góp phần khẳng định rằng những ngày tháng vinh quang của các trung đoàn kỵ binh kiểu cũ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.[38]

Các nhà sử học quy trách Benedek vì thái độ chần chừ của ông trong trận đánh vào buổi sáng. Mặc dù phía Áo có quân số vượt trội so với đối phương, Benedek đã không chớp thời cơ phát động một cuộc tấn công tổng lực nhằm đánh bại các lực lượng của Friedrich Karl và Bittenfeld trước khi Thái tử Phổ đưa quân đến ứng chiến. Theo Max Boot, khi đã không làm được như vậy, Benedek nên rút khỏi trận địa lúc diễn tiến còn đang thuận lợi cho người Áo, thay vì đó ông ở lại trận đánh và cuối cùng gánh chịu hậu quả của sự suy yếu cánh phải của mình.[32] Về sự sơ hở này, Giáo sư Lịch sử Quân sự Erik Durschmied trong cuốn The Hinge Factor: How Chance and Stupidity Have Changed History đã nhấn mạnh trách nhiệm của các chỉ huy quý tộc của hai quân đoàn IV và II đối với thảm bại của Áo qua việc tự ý điều quân cánh phải vào các cuộc phản công đẫm máu ở rừng Swiepwald. Durschmied cho rằng nếu các vị tướng này giữ chặt vị trí của mình, quân Áo với thế mạnh về pháo binh sẽ giành được phần thắng.[52]

Ngoài ra, những người đương thời, trong đó có Friedrich Engels, chú trọng vai trò của khẩu súng trường nạp hậu Dreyse của Phổ đối với chiến thắng. Loại súng này đã tạo điều kiện cho các đơn vị nhỏ bé của Phổ đánh trả thành công quân số áp đảo của địch, và điều này được thể hiện cụ thể trong cuộc chiến đấu của Fransecky ở rừng Swiepwald. Theo Max Boot, ưu điểm về pháo binh của Áo không đủ để vô hiệu lợi thế của Phổ do trong thời đại này súng trường đã trở thành "nữ hoàng của chiến trường" thay pháo binh.[12][32]

Thắng lợi của chiến dịch Böhmen, với đỉnh điểm là đại thắng Königgrätz, được xem là minh chứng cho sức mạnh tinh nhuệ của quân đội Phổ cũng như sự linh hoạt của Bộ Tổng Tham mưu Phổ dưới quyền Moltke trong việc dàn dựng kế hoạch chu đáo trước chiến tranh, áp dụng thuần thục kỹ nghệ đường sắt và hoạt động tham mưu hiệu quả.[31][79] Họ đã nhanh chóng chấn chỉnh những sai sót trong buổi sáng để giành thắng lợi trong trận đánh.[80]

Thắng lợi quyết định ở Königgrätz đã khẳng định niềm tin của Moltke vào sức mạnh của quân lực Phổ thời bấy giờ.[81]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Königgrätz http://beta.bookiejar.com/Content/Books/11369a55-5... http://books.google.com/books?id=9U9_wW-AC-sC&pg=P... http://books.google.com/books?id=n9EyXIfExKoC&prin... http://www.deutsche-schutzgebiete.de/deutscher_kri... http://www.smz-datteln-natrop.de/maersche/01---10/... http://archive.org/stream/achievementscav03woodgoo... http://archive.org/stream/bohemiamalc00malc/bohemi... http://www.archive.org/stream/battlesofninetee01fo... http://www.archive.org/stream/campaigninbohem00glg... http://www.archive.org/stream/dictionarybattl00har...